Đang load...

Lời tựa Tộc phả


Trăm sông đều khởi tự nguồn
Ân đức tiên tổ cháu con tạc lòng.
Ngũ phương hội tụ một giòng,
Tồn sinh muôn thuở uy phong tổ đường.


Gẫm “trời đất sinh ra vạn vật nhưng quý nhất là con người mà đạo làm người quý nhất là lòng Nhân”. Bởi thế từ thuở khai thiên lập địa, con người nguyên thủy đã tụ họp với nhau thành bầy đàn để xua đi cái khắc nghiệt của tự nhiên, để tồn sinh cùng vạn vật. Dù ý thức về giòng tộc chưa thực rõ nhưng sự đoàn kết được tạo lập và cùng với nhận thức phát triển, vật chất no đủ là sự ra đời của các bộ lạc, bộ tộc mà đứng đầu là các tộc trưởng, tù trưởng. Người tù trưởng, tộc trưởng của bộ lạc hùng mạnh đã thống lĩnh các bộ tộc khác để áp đặt những luật tục của bộ tộc mình rồi phát triển, hình thành nên bộ máy mà ngày nay gọi nhà nhà nước nguyên thủy. 
Là người Việt Nam, ai cũng nhớ về vị tộc trưởng đầu tiên đã thống lĩnh các bộ tộc thành một bộ máy được chính sử gọi là nhà nước Văn Lang, đó chính là Vua Hùng. Thời đại các vua Hùng đã cách nay hàng ngàn năm, chẳng ai còn nhớ đích xác vào thời gian nào nếu không nhờ vào các di chỉ khảo cổ, bởi lẽ khi đó không có lịch sử để ghi chép lại mà sao có thể ghi chép được nếu không có chữ viết hoặc giả viết mà không ai hiểu được. Nhưng, có một điều mà tổ tiên người Việt còn lưu truyền tới ngày nay đó là hệ thống các truyền thuyết - được xem là những trang dã sử đa dạng và phong phú, nơi lưu giữ truyền thống, phong tục tập quán của con người Việt Nam thời nguyên thủy. Tựu chung ý nghĩa của những trang tộc phả nguyên thủy ấy đều lý giải con người Việt có chung một nguồn cội ( truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra trăm trứng), đều là anh em một nhà…và biết bao truyền thống quý báu khác.
Cùng với sự ra đời của các hình thái kinh tế mới, dẫn đến sự thay đổi về xã hội loài người, cháu con Việt Nam chung một liệt tổ liệt tông lại chia làm nhiều chi, nhiều cành và lưu lạc bốn phương. Xã hội Việt Nam sau thời Hùng Vương rồi thời An Dương Vương bị rơi vào sự thống trị của phong kiến phương Bắc, mà thực chất là sự bành trướng của các giòng họ, bộ lạc phương Bắc. Trải ngàn năm Bắc thuộc, vạn vật thay đổi, văn hóa của dân tộc có sự tiếp biến văn hóa Trung Hoa mà phát triển. Ý thức, truyền thống, niền tự hào dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh để dân tộc ta đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giữ yên bờ cõi, lập lên các triều đại phong kiến Việt Nam độc lập từ: Triệu - Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ – Lê – Mạc – Nguyễn với biết bao chiến công hiển hách, sáng ngời những trang sử hào hùng của cha ông ta. Mà cốt lõi của các triều đại ấy chính là sự lớn mạnh của các giòng họ. Chả thế mà mỗi vị vua lên ngôi đều muốn mở rộng thanh thế, nhân lực của giòng họ mình bằng nhiều cách như: xây lăng dựng rổ đường, tạc tượng, khắc bia, kết nạp thêm thành viên bằng việc cho người khác mang họ vua quan và nghiêm khắc trừng trị nếu ai phạm vào giòng họ mình như phạm húy, phạm bổng lộc….Lãnh đạo đất nước theo kiểu giòng họ như vậy, mặt tốt  nhiều mà điều xấu cũng không ít, người gánh chịu những hậu quả ấy không ai khác chính là nhân dân, là đất nước mà trực tiếp là quan viên trong các họ tộc.
Sự mất công bằng về quyền lợi sẽ dẫn tới những mâu thuẫn mà mâu thuẫn càng lớn thì nội bộ càng rối ren, khiến kẻ thù phương Tây nhân cơ hội này mà xâm chiếm nước ta. Hết thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ thay chân nhau đàn áp, cai trị nước ta khiến nhân dân chịu bao cảnh lầm than cơ cực. Mà nhân dân chính là thành viên của các giòng họ. Trong buổi loạn lạc ấy phần lớn các họ đều chịu cảnh lụi tàn nhưng cũng có giòng họ thích nghi mà phát triển. Mâu thuẫn là tiền đề, động lực thúc đẩy cách mạng phát triển, mâu thuẫn càng lớn thì cách mạng nổ ra càng mạnh mẽ, mà cốt lõi của cách mạng là sự thay cũ đổi mới. Cách mạng tháng Tám (1945) diễn ra trên những mâu thuẫn của chế độ thực dân phong kiến với nhân dân nên được nhân dân, các họ tộc đồng lòng ủng hộ, làm lên thắng lợi rực rỡ, có kết quả tốt đẹp là một nhà nươc Việt Nam độc lập ra đời ( 2/9/1945 ), ách thực dân bị xóa bỏ. Điều đặc biệt hơn là các giòng họ đã lấy lại được sự bình đẳng, cùng tham gia
lãnh đạo, xây dựng đất nước. Sức mạnh đoàn kết đã thực sự mạnh mẽ khi quyền bình đẳng được đảm bảo nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi công cuộc đổi mới xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam thành công là điều tất yếu. Các giòng họ Việt Nam cùng với truyền thống tốt đẹp của mình đã có thêm một luồng sinh khí mới đó là quyền bình đẳng, hệ chữ viết quốc ngữ phổ thông cùng nhiều phương tiện để ghi lại công đức của tiên tổ và phả tộc của giòng họ mình.
Gẫm lịch sử của dân tộc, soi sáng truyền thống của tổ tông, giòng họ Nguyễn Chính Tộc của chúng ta cũng đã, đang và sẽ lớn mạnh cùng đất nước. Nước có lịch sử để ghi lại sự thịnh suy thì giòng họ có gia phả để cháu con nhớ về ân đức của tổ tông mà thấu tỏ về gốc tích của mình. Lần giở lại những trang tộc phả của giòng họ ta, ân đức của tổ tiên thật vô lượng,song những lời di huấn lại cho con cháu cùng bộ kinh sách gia truyền và các di vật, đặc biệt là cây phả đồ cũng đang bị mai môt dần. Phần vì do thời gian, phần vì do chiến tranh, phần lại do cháu con còn vất vả cuộc mưu sinh mà chưa có điều kiện để tìm hiểu nhưng phần lớn là do các bản cổ tự viết bằng Hán ngữ hoặc chữ Nôm mà các cụ cao tuổi trong họ biết hệ chữ này ngày càng ít dần nên cháu con không am tường cho tận được.
Trong lời tựa của các bản cổ phả, liệt tổ liệt tông cũng đã viết những dòng thật súc tích để di huấn lại cho người viết gia phả: “…viết lại gia phả theo lối tiền biên, nếu liều lĩnh cẩu thả viết những gì còn chưa rõ thì chẳng bằng của để nguyên….thế cho nên nhìn lại những việc từ xưa tới nay, từ nay về xưa suy đi xét lại những điều đã biết mà thích hợp thì bổ sung và soạn lại cho rõ” ( bản dịch trang 3).
Nay, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của tiên tổ, sáng ngời bốn chữ vàng tại tổ đường: Thống tôn hội nguyên ( con cháu muôn đời có truyền thống tốt đẹp hướng về nguồn cội) mà phụng mệnh tiên tổ, tùy duyên chắp bút cùng với các cụ, các quan viên trong họ sưu tập, dịch thuật, hiệu chỉnh rồi biên soạn lại bằng hệ chữ quốc ngữ phổ thông được rõ ràng để người đương thời và hậu thế thuận bề tra khảo.

( Cử nhân văn hóa Nguyễn Trường chắp bút theo đề nghị của Ông trẻ Nguyễn Bình An
Hậu duệ đời 11 - Họ: Nguyễn Chính Tộc - hương thôn Trà Khê - Xuân Phong - Xuân Trường - Nam Định )

0 Nhận xét::

Đăng nhận xét

 
Thiết kế bởi: T và H | Mẫu của: Lasantha | Powered by: Blogger | Lên đầu trang